Bệnh viên Âu Cơ

Thai nhi 17 tuần tuổi: Lời khuyên dành cho mẹ

Đăng ngày: 16-04-2019 09:46 am

Thai nhi 17 tuần tuổi: Lời khuyên dành cho mẹ
Sự phát triển của thai nhi 17 tuần tuổi
Thai nhi 17 tuần phát triển như thế nào?
Em bé lúc này có kích thước của một củ cải, nặng khoảng 150g và dài khoảng 12cm tính từ đầu đến chân.
Bộ phận phát triển mạnh mẽ nhất của bé trong thời gian này hẳn là nhau thai. Nhau thai của mẹ giờ đây đã phát triển hàng ngàn mạch máu nhằm tối ưu hóa chức năng nuôi dưỡng thai nhi bằng các chất dinh dưỡng, oxy và loại bỏ chất thải cho bé.
Sự thay đổi trên cơ thể của mẹ ở tuần thai thứ 17
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?
Mẹ có thể nhận thấy rằng ngực của mình thay đổi đáng kể kể từ khi bắt đầu mang thai tuần 17. Nguyên nhân của hiện tượng này là do hormone đang hoạt động để chuẩn bị cho ngực mẹ sản xuất sữa: máu sẽ chảy vào ngực nhiều hơn và các tuyến sữa đang phát triển để chuẩn bị cho bé bú sữa mẹ. Điều này có thể làm tăng kích thước ngực của mẹ và khiến tĩnh mạch nổi rõ đến mức có thể nhìn thấy được. Hãy lựa chọn áo ngực có kích cỡ phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của thai nhi.
Những điều mẹ cần lưu ý là gì?
Mẹ có thể cảm thấy nóng và đổ mồ hôi nhiều trong những ngày này. Nguyên nhân là vì hormone đang tăng lưu lượng máu đến da; bên cạnh đó, sự trao đổi chất khi mang thai tuần 17 cũng tăng mạnh và khiến cho mẹ luôn có cảm giác vô cùng ẩm ướt.
Lời khuyên của bác sĩ về thai kỳ 17 tuần
Mẹ nên nói gì với bác sĩ?
Đôi khi mẹ cảm thấy chóng mặt và cực kì lo lắng khi bị như vậy? Hãy bình tĩnh, đây không phải là một hiện tượng nguy hiểm đâu. Trong thực tế, đó là một triệu chứng khá phổ biến và hầu như luôn xuất hiện khi mẹ ở thai kỳ tuần 17.
Khi cảm thấy chóng mặt, hãy nằm nghiêng sang bên trái và nâng chân lên cao nhất có thể; hoặc mẹ cũng có thể ngồi xuống và gục đầu vào giữa hai đầu gối. Hãy hít thở sâu và nới lỏng bất kỳ quần áo chật chội nào.
Ngay sau khi mẹ cảm thấy đỡ hơn, hãy ăn uống một chút và báo cho bác sĩ biết về triệu chứng chóng mặt này ở lần khám tiếp theo. Việc ngất xỉu trong thực tế rất hiếm khi xảy ra, nhưng nếu mẹ bị ngất xỉu, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Những xét nghiệm nào mẹ cần biết?
Tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của mẹ và cách khám của bác sĩ, mẹ sẽ được thực hiện các kiểm tra và xét nghiệm sau đây:
• Đo cân nặng và huyết áp
• Kiểm tra đường và protein trong nước tiểu
• Kiểm tra nhịp tim của thai nhi
• Kiểm tra kích thước của tử cung bằng cách sờ nắn bên ngoài
• Đo chiều cao tính từ đáy tử cung
• Kiểm tra xem liệu bàn tay và bàn chân của mẹ có bị sưng hay giãn tĩnh mạch hay không
• Kể cho bác sĩ nghe về các triệu chứng mẹ đã trải qua, đặc biệt là những triệu chứng không bình thường
• Nêu ra những câu hỏi hoặc vấn đề mẹ muốn thảo luận. Mẹ nên lên một danh sách câu hỏi sẵn trước ngày khám.
Sức khỏe của mẹ và thai nhi ở tuần 17
Mẹ cần biết những gì để đảm bảo an toàn trong thai kỳ?
1. Chụp X-quang
Chụp X-quang trong thai kỳ tuần 17 thường khá an toàn. Tuy vậy, mức độ an toàn sẽ phụ thuộc vào loại X-quang mà mẹ cần thực hiện và lượng bức xạ mà mẹ sẽ được tiếp xúc.
Hầu hết các xét nghiệm X-quang thường không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến bào thai của mẹ. Đó là sự thật đã được kiểm chứng. Tuy vậy, mẹ cũng cần biết rằng tiếp xúc bức xạ nhiều và tiếp xúc với bức xạ ở cường độ cao sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh cho bé.
Khi bào thai tiếp xúc với X-quang trên 10 radian, nguy cơ trí não chậm phát triển và mắc phải các bệnh khiến mắt bé trở nên bất thường sẽ tăng cao. Đừng quá lo lắng, bởi rất hiếm trường hợp xét nghiệm bằng X-quang lại vượt quá 5 radian.
2. Nhiệt độ cơ thể tăng cao 
Mẹ sẽ cảm thấy nóng và đổ mồ hôi trong những ngày này. Đây là một trong những hậu quả khi hormone thai kỳ trong cơ thể mẹ tăng cao.
Để luôn cảm thấy mát mẻ, mẹ nên tránh tập thể dục bên ngoài trời nắng nóng ban ngày. Hãy đi bộ trước khi ăn sáng hoặc sau bữa ăn khi khí trời mát mẻ, dễ chịu. Mẹ cũng có thể tham dự các lớp học thể dục tại một trung tâm thể dục có gắn điều hòa. Dù mẹ chọn cách nào đi chăng nữa, hãy chú ý ngừng tập ngay lập tức trước khi mẹ cảm thấy quá nóng bức nhé!